Trong những năm gần đây, xen canh tôm – lúa đang chứng tỏ hiệu quả cao và được nhiều người nuôi áp dụng thành công. Nhờ tận dụng diện tích và sự hỗ trợ qua lại mà thu nhập không ngừng tăng và đảm bảo năng suất và hiệu quả cao.
Cùng tìm hiểu kỹ thuật nuôi xen canh tôm càng xanh – lúa để đạt hiệu quả cao nhất.
Thời điểm nuôi
Chọn vụ lúa Hè – Thu để xen canh là thích hợp nhất. Mùa này nước nhiều nên thời gian ruộng ngập nước kéo dài, tôm có nguồn thức ăn dồi dào.
Những ruộng lúa cấy sẽ nuôi tôm tốt nhất vì đảm bảo khoảng trống để tôm bơi và kiếm thức ăn. Nếu nuôi khu vực ruộng sạ thì cần sạ thưa hơn.
Thả tôm giống thời điểm sau cấy 1 tuần và sau sạ 2 tuần.
Theo lịch thời vụ thì 2 lúa, 1 tôm.
Kết hợp nuôi tôm càng xanh – lúa theo mùa vụ
Một vụ lúa – một vụ tôm: Xen canh một vụ lúa, một vụ tôm khi ruộng chỉ canh tác vụ Đông Xuân, sau thu hoạch lúa thì thả tôm 1.1-1.2cm.
Thả giống khoảng từ tháng 3-4 với mật độ 3-5con/m2 và thời gian nuôi từ 7-8 tháng.
Hai vụ lúa – một vụ tôm: Thời gian nuôi chỉ từ 4-5 tháng nên cần thả con giống kích cỡ lớn, từ 3.0-5.0g/con. Với mật độ từ 2-4con/m2.
Chú ý thức ăn
Thức ăn đóng vai trò quyết định lớn đến chất lượng và năng suất tôm nuôi. Thức ăn cần đảm bảo chất lượng và số lượng. Kết hợp thức ăn tự nhiên và thức ăn tươi hay thức ăn viên.
Thức ăn từ tự nhiên sẵn có từ nguồn động vật thủy sinh và đóng vai trò rất quan trọng trong thời kỳ đầu. Thức ăn tươi có cá, tôm, ốc, tép… chế phẩm trong chế biến thủy sản. Nhưng hạn chế của thức ăn tươi là dễ làm chất lượng nước suy giảm cùng hệ số tiêu tốn thức ăn cao.
Thức ăn viên là dạng thức ăn công nghiệp, được chế biến sẵn với thành phần dinh dưỡng được điều phối phù hợp từng giai đoạn của tôm. Thức ăn dạng này được chế biến theo dây truyền hiện đại, thời gian bảo quản dài và không hư hỏng nhanh nên ít ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước.
Cần thường xuyên định kỳ mỗi tháng kiểm tra lượng thức ăn và tăng trưởng trọng lượng tôm để điều chỉnh thức ăn hợp lý. Tỷ lệ điều chỉnh là 3% trọng lượng tôm sau 1 tháng với tôm giống và sau 4 tháng với tôm bột. Bởi nguồn thức ăn trong ruộng khá sẵn.
Chăm sóc tôm nuôi
Ngoài tôm còn lúa nên việc chăm sóc và quản lý cần tiến hành song hành chặt chẽ. Việc trao đổi nước thường xuyên, càng nhiều càng tốt nhưng cần lưu ý việc tôm bị kích thích lột xác. Vào đêm, lúa và thực vật dùng oxy nên rất dễ xảy ra hiện tượng thiếu oxy vào sáng. Do đó, thấy xuất hiện tôm nổi đầu vào sáng cần tiến hành trao đổi nước ngay.
Thường xuyên kiểm tra và sát sao theo dõi địch hại của tôm và có biện pháp phòng chống kịp thời, nếu không hậu quả rất nặng nề.
Cùng nuôi tôm và lúa nên khi phun thuốc trừ sâu cho lúa phải thực hiện di chuyển tôm, rút nước ruộng và cho tôm ra mương và tiến hành phun, không để nước xuống mương. Sau 2-3 ngày mới cấp nước và cho tôm về ruộng. Sử dụng loại thuốc ít độc và chọn giống lúa có sức kháng sâu, rầy tốt để hạn chế dùng thuốc trừ sâu.
Thu hoạch tôm
Có thể thu hoạch tỉa dần những tôm lớn, tôm cái hay tôm chậm lớn trước và thu hoạch toàn bộ sau hai tháng.
Thả vụ Đông Xuân thì có thể để nuôi tiếp tôm nhỏ sau khi đã thu hoạch tôm lớn.