Ông Nguyễn Phước (Phú Thuận – Phú Vang –TT Huế) đã áp dụng thành công và hiệu quả cách thức nuôi tôm với nước được xử lý từ cá diêu hồng, mô hình này tiên phong tại tỉnh.
Với khu nuôi tôm gồm 3 hồ ven biển được rào lưới thép, trồng dưỡng liễu quanh rào bảo vệ và rất hạn chế người cũng như vật nuôi khác qua lại, đảm bảo một quy trình khép kín. Đã có vụ số tiền lãi gia đình ông thu về lên tới 1.5 tỷ đồng.
Ông đã tiến hành hoạt động nuôi tôm hơn 10 năm nhưng có vụ lãi, vị lỗ và càng sau này càng lỗ nhiều bởi dịch bệnh khiến tôm chết, giảm năng suất.
Một lần tình cờ đọc thông tin về mô hình nuôi tôm của nước bạn Philippin hạn chế dịch bệnh do dùng “nước sạch” nên cho hiệu quả cao, ông đã mày mò tìm kiếm phương pháp nuôi đó.
Nhìn chung thì cũng không có gì khác với nuôi tôm trên cát ông đã thực hiện, quy trình và kỹ thuật nuôi khá đơn giản, không tốn chi phí đầu tư.
Nếu như trước đây ông phải lấy nguồn nước trực tiếp từ biển hoặc nước ngọt thì mô hình mới thực hiện qua bể lắng. Và bể lắng đó thả cá diêu hồng trong thời gian 1 tháng trước khi đưa vào khu nuôi tôm. Cá diêu hồng trở thành “máy lọc sinh học”.
Hết vụ nuôi, thu hoạch tôm, nước ở ao nuôi chuyển về bể lắng (nơi đang thả cá diêu hồng) và sau lọc lại bơm vào nuôi vụ mới. Riêng chi phí tận dụng nước này giảm tới 30 triệu đồng/vụ, không thải nước thải nuôi tôm ra gây ô nhiễm môi trường.
Với 3 hồ nuôi của ông Phước, năng suất đạt 8-10 tấn, hầu hết mỗi vụ đều lãi, vụ thấp thì vài trăm triệu, cao nhất là 500 triệu đồng/hồ. Một năm ông nuôi 3 vụ, vụ sau tết là chính, ông thả tôm thẻ chân trắng, vụ hè nuôi phụ, thả mật độ thưa, cộng thêm lãi từ cá diêu hồng lên tới vài trăm triệu mỗi năm.
Nuôi tôm theo hình thức này hãn hữu lắm ông Phước mới dùng đến kháng sinh, chỉ khi xuất hiện dấu hiệu dịch. Toàn bộ thức ăn là công nghiệp và tăng cường chế phẩm sinh học cho tôm nâng cao sức đề kháng.
Chính quyền địa phương rất đề cao hình thức nuôi tôm của ông Phước và tuyên truyền nhân rộng mô hình này trong tỉnh. Đồng thời cũng vào cuộc nghiên cứu để đánh giá hiệu quả bền vững của mô hình.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp tỉnh cũng nhìn nhận mô hình nuôi tôm của gia đình ông Phước lafmoo hình khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Và ông Phước là người tiên phong ứng dụng thành công trên địa bàn tỉnh trong nuôi tôm thẻ chân trắng cho hiệu quả kinh tế cao. Ngành nông nghiệp địa phương sẽ có phương án phổ biến, nhân rộng hiệu quả của mô hình này cho bà con trong tỉnh.
Mỗi ao nuôi diện tích khá rộng, từ 2.000-3.000m2/hồ với mật độ thả tôm là 300 con/m2. Do đó mỗi ao cần 3-4 dàn quạt nổi cùng 1 dàn quạt đáy tạo oxy hòa tan để đảm bảo cung cấp đủ cho tôm. Ao lắng thả cá diêu hồng diện tích khoảng 500-1.000m2 với mật độ thả khoảng 50 con cá/m2, sẽ đạt hiệu quả cao, ông Phước chia sẻ.